Xin Việc

Cô ơi, làm sao để xin việc thành công?

Bạn hỏi về việc “xin việc”. Thật ra, 2 chữ “xin việc” bản thân nó đã không hợp lý. Nếu mình đi “xin” nghĩa là mình mong chờ sự “cho” của ai đó về một thứ mà mình không có. “Xin” nghe kẻ trên người dưới, kẻ trên cơ người dưới cơ, kẻ quyền lực người nhận lãnh. Cho nên, chắc mình nên xem lại cách suy nghĩ về công việc, đừng đi xin việc nữa. Nên định vị bản thân để tìm thấy công việc phù hợp và yêu thích. Khi ta thay đổi góc nhìn, ta thay đổi cách tiếp cận, và không đi xin nữa mà là đi thu hút nhà tuyển dụng bằng chính sự hay ho của bản thân mình.

Nhưng như vậy chuyện đầu tiên không phải là lao ra đi kiếm chỗ xin, mà là quay về định vị lại bản thân, hiểu rất rõ mình có gì người ta cần, và cái mình có nó tới level nào để người ta phải bước qua nhà của 100 người khác để đến chỗ của mình. Đâu có giành giật chiến đấu gì ở đây. Mình là 1 cái brand thôi. Brand mạnh thì người ta tìm đến. Brand không ai biết thì làm quảng cáo khùng luôn có khí người ta cũng không thèm nhìn. Cuộc đời chưa bao giờ bắt đầu từ chuyện ở bên ngoài, từ chuyện tìm kiếm, cào cấu, giành giật cơ hội, mà luôn bắt đầu từ nội lực và thương hiệu của của bản thân. Sao có người được “săn” mà mình phải đi xin? Họ có gì mà mình không có?

Vậy, để trả lời bạn trẻ, mình gạch ba cái đầu hàng dễ nhớ này để hướng dẫn bạn tư duy lại về chuyện đi “xin việc”. Hy vọng bạn sẽ từ đó mà vẽ ra bản đồ định vị và phát triển bản thân để sau này hết phải đi xin.

Người ta cần gì ở mình?

Muốn biết chuyện này quá sức dễ, là thông tin public – công bố từ những đăng tải tuyển dụng của nhà tuyển dụng mà chắc ít khi các bạn đọc cẩn thận và hiểu hết? Đời đâu có chuyện gì lơ phơ lơ ngơ được. Cái gì cũng phải dành thời gian đọc kỹ, hiểu đúng, suy nghĩ về lý do tại sao người ta yêu cầu như thế chứ. Nếu cả cái mẩu tin tuyển dụng mà bạn còn không đọc đàng hoàng sao làm được việc gì đàng hoàng, cẩn thận đúng không? Cho nên, vị trí bạn ứng tuyển là gì không biết, cứ phải tìm và đọc cho kỹ những yêu cầu của nhà tuyển dụng để còn biết cách định vị bản thân.

Mình có thể mạnh vượt trội gì?

Người ta cần gì xong thì tiếp theo phải hỏi là mình có gì. Đâu có ai trên đời đi làm mà tay không bắt giặt được. Muốn định vị thì phải có unique selling point – điểm độc đáo khác biệt, làm cho mình khác người, nổi trội hơn người, gây chú ý hơn người, được tìm kiếm săn đón chứ. Brand nào cũng phải vậy. Thương hiệu cá nhân càng phải vậy. Mà bản thân bạn nếu bạn không biết, không rõ nữa thì ai rõ? Cuối cùng muốn nhanh thì phải chậm, muốn bước ra thì phải quay về, muốn biết người thì phải hiểu ta. Vậy thôi. Bạn cần học mấy khoá quản trị bản thân, xây dựng nội lực và làm bài tập trước đi rồi cơ hội sẽ hiện ra. Chưa biết kiếm gì thì làm sao đi kiếm?

Làm sao để trình diễn và truyền thông brand cá nhân tới nhà tuyển dụng?

Làm brand mà, thì phải có marketing, truyền thông trong đó chớ tốt không thì sao ai mà biết. Công ty làm employer branding – thương hiệu nhà tuyển dụng thì mình cũng phải làm employee branding – thương hiệu người đi làm chớ. Và kế hoạch đó nó cũng giống như là làm marketing cho bất kỳ thương hiệu nào, cũng phải consistent – kiên định trong thông điệp, phải pro – chuyên nghiệp và đa kênh. Đa kênh nghĩa là có kênh nào bạn nghĩ đi? Qua các website, hệ thống tuyển dụng của bên thứ 3 là 1 kênh. Nhưng còn rất nhiều kênh khác như mạng xã hội, tổ chức chuyên môn, networking event – sự kiện kết nối, giới thiệu của người có uy tín, vv. Cũng phải ngồi xuống làm kế hoạch marketing cho bản thân chứ đâu có phó thác hên xui và đổ hết cho nhà tuyển dụng, phàn nàn chuyện sao người ta không biết cách tìm ra ngôi sao sáng như mình. Sao sáng nó phải phát sáng, và để phát sáng nó phải tự thân vận động làm rất nhiều thứ mới tới cái phút giây phát sáng. Đâu ai ngồi một chỗ không làm gì mà tự nhiên phát sáng được đâu.

Vậy nha. Chắc phải đổi cách tiếp cận chút có khi bầu trời hôm nay sẽ thêm vài vì sao mới.

Nguồn: Nguyễn Phi Vân

Leave a Comment